Kỷ Thuật Chăm Sóc Hồ Tiêu: Biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc (Phần IV: Tiêu già cỗi)

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc (Phần IV: Tiêu già cỗi)


du-lich-phu-quocCó nhiều con đường để lựa chọn, nhưng tôi lại chọn con đường làm bạn với đất. Với nhiều bạn trẻ nó sẽ là mặc cảm. Một khi thấu hiểu cây cần gì, như thế nào mới là làm bạn với đất, làm thế nào để hiệu quả, mà bền vững. Khi đó tôi tin các bạn sẽ tự hào mình là một nông dân. Thành công luôn chờ đợi chúng ta.
 Phần IV: Tiêu già cỗi
Lúc này cây chỉ tập trung hoàn toàn vào sinh thực. Cây không phát lươn gốc. cũng không phát đọt non. Lá tiêu thường quăn lại, teo nhỏ như tiêu điên. Có cho chuỗi năng suất cũng rất thấp. Lúc này bà con nên tính tới đường thay thế vườn tiêu già cỗi.
Dấu hiệu cho ta biết tiêu cỗi ban đầu là 2 năm trúng 1 năm thất. Sau đó tăng dần lên 1 năm trúng 1 năm không có trái. Cuối cùng là cây trái rất ít, chuỗi ngắn ngủn, có khi không cho trái nữa.Với những cây tiêu này nó rất ít bị bệnh. Do mạch dẫn của nó chai lì như mạch gỗ, không có con gì muốn gặm. Chính bản thân ta cũng không muốn chăm sóc nó, ít chăm bón. Thế mà cây không hề bị chết nhanh gì cả?
Đa phần nguyên nhân cây chết là do tự bản thân ta. Vì quá chạy theo năng suất bón nhiều phân vô cơ, hóa học, lại lo bệnh này nọ… xịt vô số loại thuốc cho nó. Làm tổn hại đất, tổn hại cây. Đất pH quá thấp không còn phù hợp, cây kém phát triển.
Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày, nếu cây nào không có năng suất thì nên thay thế. Tiêu già cỗi, tiêu kém năng suất đều không có kinh tế. Đau đớn nhất chính là mình trồng trúng giống kém chất lượng.
Vì thế khi bắt đầu trồng tiêu bà con nên lựa chọn giống cẩn thận. Hiểu rõ đặc tính giống đó, thì chăm sóc hồ tiêu mới trãi nghiệm được cảm giác tiêu chết già là thế nào.
Tôi mong bà con mình trồng hồ tiêu thế này: Chỉ có mình cho phép thì nó mới được chết, nó chưa được phép của mình, thì nó không được chết. Tôi chỉ cho nó chết già, hoặc tôi không ưng ý nó là cho nó đi ngay từ ban đầu. Quan sát cây để phán đoán nên trị hay nên bỏ, sẽ giúp vườn sạch bệnh mà đỡ tốn kém.
Khi thay thế vườn tiêu đã canh tác già cỗi, quan trọng nhất vẫn là khâu xử lý đất. Việc trồng mới trên đất tái canh là rất khó khăn.
Tôi thường xử lý đất tái canh như sau: Tháo bỏ cây tiêu già cỗi xuống. Trụ chết thì đốt ngay tại chỗ, còn trụ sống kéo ra xa 1 chút, khoảng 0,5 m tránh cháy trụ.Việc đốt như thế giúp khử trùng nấm bệnh, ngoài ra lượng tro nó trả lại cho đất rất giàu Kali. Bao nhiêu năm lấy dinh dưỡng của đất, thì thân xác ấy giờ đây trả lại cho đất mẹ. Trở về với cát bụi, để chuẩn bị cho một cây mới sức sống mãnh liệt hơn.
Tiếp theo ta cần đào hố phơi ải. Đào như thế nào để qua tầng đất cỗi. Vùng đất đó bao nhiêu năm không được cày xới. Do nó chịu sức hút của lực hấp dẫn, các phần tử đất nhỏ sẽ lặn xuống khoảng 20-50 cm kết dính lại. Đất cứng như đất thép Củ Chi.
Ở vườn tiêu kinh doanh, đây chính là nguyên nhân làm tiêu bị úng nước chết mà ta không hề hay biết. Nhìn mưa xong thấy đất ráo nước, nhưng thực chất nước bị ứ lại ở tầng này. Với cây tiêu chỉ cần 24- 48 giờ úng nước là rễ có thể bị thối, lúc này nấm Fusarium, Phytopthora… tha hồ mà xâm nhập theo vết thương. Thời gian ủ bệnh 1-2 tháng sau đó phát bệnh ra lá cho ta thấy. Lúc này có chữa trị bằng nhiều cách cũng không hiệu quả, mọi thứ giờ đây đã là quá muộn.
Do đó hệ thống rút nước tốt là yếu tố rất quan trọng trong canh tác hồ tiêu. Có nhiều nhà vườn không đào hệ thống rút nước nhưng vẫn không hề bệnh tật, vì họ biết bảo vệ vi sinh vật có lợi làm đất thông thoáng.
Nếu hàng năm, bà con đào qua tầng khó rút nước này, dùng nhiều phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma để đất tơi xốp, thì vườn sẽ rất ít bệnh tật. Kỹ thuật này rất hữu ích.
Cây hồ tiêu là cây công nghiệp cần độ mùn hữu cơ rất dày. Khi đào hố phơi ải bà con xịt các loại thuốc gốc đồng để khử trùng đất. Sau 1 tháng kiểm tra độ pH bón vôi và phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Nhờ Trichoderma xử lý phần rễ còn lại nằm trong đất.
Phương pháp này áp dụng cho cây tiêu bị chết cũng rất hiệu quả.Với cây trụ sống hố trồng cách xa trụ ra 1 chút, khi trồng cho lên trụ giả, sau đó đôn vào. Lúc này tiêu chiết trồng cho những trụ sống to là rất hiệu nghiệm. Giống như ta hóa phép cho đất đang cỗi trở nên màu mỡ lại, cây tiêu già thành cây tiêu tơ.
Tôi rất ít khi trồng lại tiêu lươn trên nền đất cũ, hoặc tiêu ác trồng trực tiếp. Mà thường sử dụng tiêu chiết hoặc tiêu trồng qua mùa khô cho ra ác, sau đó chỉ việc lấy đi đôn. Do nền đất cũ tiêu con rất khó phát triển. Trụ sống quá to, bỏ thì thương mà vương phải biết cách. Nếu tiêu già cỗi mà còn phát lươn được, bà con không vội nhổ bỏ mà hãy kéo lươn đó lên trụ giả xa ra 1 chút. Sau đó lấp đất lấy bộ rễ, vắt ngược lại cây.
Nếu là giống tốt, áp dụng kỹ thuật bấm đọt cho nó ra lại. Còn giống không tốt, có thể tiến hành ghép. Dựa vào sự hỗ sinh của cây tiêu để áp dụng kỹ thuật khôi phục vườn tiêu già cỗi rất hiệu nghiệm. (tham khảo)
Kiến thức của tôi chỉ là hạt cát giữa đại dương mênh mông. Nhiều hạt cát của cộng đồng sẽ trở thành những bãi cát thơ mộng. Cho dù đại dương có mênh mông bao nhiêu, thì bờ biển cũng dài bấy nhiêu. Chẳng phải vũ trụ bao la kia cũng hình thành từ những phần tử nhỏ bé đấy sao?
Chúc bà con thành công!
Nguyễn Minh Vịnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét