Kỷ Thuật Chăm Sóc Hồ Tiêu: 2016

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Cây trồng bị 'sốc' do vừa bón phân gặp mưa đột ngột

Cây trồng bị 'sốc' do vừa bón phân gặp mưa đột ngột

 
Gần đây, nhiều nhà vườn ở khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên phản ánh vườn cây cà phê, tiêu, cao su … có biểu hiện bị vàng, khô lá héo cành sau khi bón phân thì gặp mưa lớn. Cây trồng bị sốc do vừa bón phân gặp mưa đột ngột
 

Cây trồng bị sốc do vừa bón phân gặp mưa đột ngộtVườn cà phê ở Đăk Song, Đăk Nông sau khi bón phân tan nhanh gặp mưa và bị “sốc phân”...  

Về vấn đề này, chiều 24/6, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Quyền, nguyên Phó viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam, cho biết, sau một thời gian nắng nóng kéo dài, ở nhiều tỉnh phía Nam xuất hiện những cơn mưa lớn sau thời gian dài bị nắng nóng khiến cây trồng bị “sốc”.
Tuy nhiên, “sốc” ở đây nguyên nhân chính không phải là do mưa mà là khi bắt đầu vào mùa mưa, nhà vườn thường có thói quen cào hố quanh gốc cây (nhất là cà phê) sau đó bón phân xuống.
Khi bón phân có mưa lớn, gặp phân tan nhanh sẽ khiến cho nước đọng lại ở gốc cây với hàm lượng phân bón rất lớn dẫn đến tình trạng cây bị “sốc”. Do đó, giáo sư Quyền khuyến cáo người dân nên dùng phân bón tan chậm, và không nên cào hố quanh gốc khi bón phân vào mùa mưa.
Theo tìm hiểu, hiện tượng cây trồng nhất là cà phê, tiêu bị “sốc phân” xảy ra khá phổ biến ở những vùng đất thiếu mùn, giữ ẩm kém khi gặp hạn và thoát nước kém khi mưa nhiều, đặc biệt những vùng đất đen, đất sét, đất nặng thiếu hữu cơ, khô hạn thì nứt nẻ, mưa nhiều thì sũng nước. Tình trạng sốc phân có thể làm cây bị rụng lá, đổ đốt, thối dễ và chết hoặc ảnh hưởng tới năng suất.
Trong thời tiết nắng nóng kéo dài như năm nay, khi mưa xuống, những vùng đất có chế độ dinh dưỡng kém, cây lá không được khỏe mạnh, nếu bón phân nhiều mà gặp mưa xuống cũng dễ dẫn tới hiện tượng “bội thực” phân bón, nhất là những loại phân có hàm lượng đạm, kali cao hay các loại phân tan nhanh.
Chuyên gia về phân bón cũng khuyến cáo nhà vườn không nên bón phân trong điều kiện nắng hạn kéo dài và có mưa lớn sau đó có nắng trở lại. Người dân hãy chờ cho mưa đều rồi sau đó hãy bón các loại phân chậm tan để cây trồng không bị “sốc”. Và bà con cũng nên chú ý, vào mùa mưa không nên làm bồn quanh gốc để bón phân, việc này chỉ phù hợp vào mùa khô nó giúp gốc cây giữ được độ ẩm.
(Nguồn: taydo)

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây hồ tiêu


Vấn đề thiếu dinh dưỡng trên cây hồ tiêu là điều không còn xa lạ với những nhà nông giàu kinh nghiệm đã trồng tiêu lâu năm. Nhưng với nhiều bạn trẻ mới bắt đầu thì đây là những hiểu biết hết sức cần thiết. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp một số thông tin để góp phần nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm về một số triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây hồ tiêu, nhằm giúp bà con phát hiện sớm và có biện pháp bổ sung dinh dưỡng kịp thời, tăng hiệu quả trong canh tác loại cây này.

Thiếu đạm

Biểu hiện của việc thiếu đạm trên cây hồ tiêu thấy rõ nhất khi cây sinh trưởng chậm lại, ít ra cành hơn, chồi, lá chuyển màu xanh nhạt hay vàng. Hiện tượng vàng lá thường xuất hiện bắt đầu từ dưới gốc lên, khi các lá ở dưới thấp đã vàng nhạt thì lá ở tầng phía trên vẫn còn giữ được màu xanh tương đối. Khi cây bị thiếu đạm quá mức thì toàn bộ lá tiêu chuyển dần sang màu vàng nhạt rồi tới màu vàng đậm và đầu ngọn lá bị khô. Khi lá rụng nhiều thì cây đang thiếu đạm nghiêm trọng.
Tuy cây tiêu rất cần đạm, nhưng nếu bón đạm quá nhiều, thì cây sẽ ra nhiều lá mà ít ra hoa đậu quả, dễ bị lốp giảm khả năng chống đỡ với sâu bệnh, thời tiết thời tiết thay đổi thất thường. Dư đạm cũng làm kéo dài thời gian chín quả của tiêu, dẫn đến không thu hoạch tập trung, tốn thêm nhân công và làm giảm chất lượng quả.






Thiếu lân


Biểu hiện cây hồ tiêu thiếu lân rõ ràng,hiếm khi xuất hiện và rất khó nhận biết trên các vườn hồ tiêu. Trường hợp thiếu lân nghiêm trọng thể hiện ở sự sinh trưởng chậm còi cọc của cây. Điều này không rõ lắm ở đỉnh sinh trưởng các dây thân, nhưng các cành ngang bị ảnh hưởng nặng nề hơn và cây rất ít ra cành ngang thứ cấp. Phiến lá của các lá ở cây trưởng thành trở nên xanh xám đục, chuyển sang màu đồng, dày cứng và thỉnh thoảng có các đốm chết ở đầu lá, sau đó lá bị rụng.

Thiếu kali

Biểu hiện triệu chứng thiếu kali có thể nhận biết được ở lá của cây trưởng thành. Mép đầu ở lá chuyển vàng và xuất hiện các đốm chết hoại màu xám, giòn. Vết hoại chết thường có hình chữ V ở mép đầu của lá. Đây là hiện tượng “cháy đầu ngọn ở lá”

Thiếu trung vi lượng

Ngoài các nguyên tố đạm, lân và kali ở trên, cây hồ tiêu cũng cần một số các nguyên tố trung vi lượng khác như canxi, magie, lưu huỳnh, kẽm, bo…
  • Canxi  
Canxi ảnh hưởng tốt tới môi trường đất trồng, giảm độ chua của đất, tăng khả năng hoạt động của vi sinh vật có ích trong đất. Canxi có ảnh hưởng tốt tới sự phát triển của đọt cây và rễ cây, sự cấu tạo của hoa và lưu chuyển chất khô từ thân lá qua trái tiêu.
Hiện tượng thiếu canxi biểu hiện ở trên các lá đã thành thục, phần phía dưới trụ tiêu thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn phần tán phía trên cao. Trên lá xuất hiện các vệt úa vàng từ một bên hay cả hai bên phiến lá gần phía cuống lá hoặc ở đoạn giữa lá. Vệt úa vàng này đi dần vào phía trong gân chính, tiếp theo sau đó là sự hoại tử. Các vết hoại tử rất nhỏ có thể xuất hiện rải rác giữa các gân lá, ở mặt trên hoặc mặt dưới lá. Lá rụng rước khi các vết hoại tử này phát triển mạnh. Ở một số trường hợp có thể gây cho tiêu bị rụng lóng tháo khớp.
  • Ma giê 
thieu-Mg-Zn
Thiếu magie và kẽm
Đây cũng là một yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng đối với cây tiêu. Hiện tượng thiếu magiê xuất hiện trước tiên trên các lá già và phát triển dần lên các lá non hơn. Hồ tiêuthiếu magiê, phiến lá trở nên úa vàng trong khi gân chính vẫn xanh, vệt vàng thường xuất hiện từ trung tâm của một nửa đầu phiến lá rồi lan dần ra mép lá và phía cuống lá, vùng phiến lá gần cuống lá thường vẫn giữ được màu xanh. Trường hợp thiếu magie nặng thì lá rụng đồng loạt, trên cây còn các cành  trơ trụi và một ít lá non hơn không bị ảnh hưởng.
  • Lưu huỳnh 
Đây là yếu tố dinh dưỡng rất cần thiết cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng. Đến nay lưu huỳnh được xem là yếu tố dinh dưỡng quan trọng thứ tư sau N,P,K. Thiếu lưu huỳnh làm ảnh hưởng đến sự tổng hợp protein, gây ra giảm diệp lục, làm các lá non có màu trắng, thiếu lưu huỳnh làm chậm hoặc ngăn cản sự ra hoa và dẫn đến làm giảm năng suất cây trồng.
thieu-Bo
Thiếu bo

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Kỹ thuật làm bông cho cây hồ tiêu (P2)

Xem thêm Kỹ thuật làm bông cho cây hồ tiêu (P1)


Việc phân hóa mầm hoa chỉ là một bắt đầu nhỏ cho hành trình dài trong kỹ thuật làm bông của cây hồ tiêu.
Xin mời bà con xem tiếp phần 2 : 
2. Bón phân trong quá trình làm bông
Bón phân cân đối đúng liều lượng để cây cho năng suất cao là cả một chủ đề.
Nước là cốt lõi trong việc phân hóa mầm hoa thì phân chính là chìa khóa để đánh thức những mầm hoa đang ngủ yên đó. Trong quá trình tiêu làm bông nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì cây sẽ tiếp tục ra lá. Vào giai đoạn này cây cần lượng phân rất lớn, bao gồm tất cả các yếu tố đa, trung, vi lượng và xác bã hữu cơ.
Bà con có thói quen là tưới và xịt phân bón lá, bón phân (phân lân) luôn sau khi hãm nước. Cây nhú mắt cua ra lá non bà con bỏ phân NPK 16-16-8+TE một lần với hàm lượng rất lớn, sau đó xịt phân bón lá thế là xong, gần như hầu hết bà con đều làm vậy. Lúc này bộ rễ chưa hấp thu được nên rất lãng phí. Trước đây tôi cũng hay làm vậy. Nhưng hiệu quả hấp thu phân bón của cây không cao.
Tôi xin chia sẻ với bà con kỹ thuật bón phân của nhà mình sau nhiều năm làm thấy hiệu quả cao như sau:
Chia phân ra nhiều lần mà bón. Tuy rất cực, nhưng bà con phải chịu khó trong giai đoạn này. Sai một ly đi một dặm là đây. Trên thị trường có rất nhiều chủng loại phân bón. Nên chọn loại có thương hiệu uy tín được nhiều người sử dụng thấy có hiệu quả.
Sau khi tưới ướt dẫm như mưa cho cây hồi phục sức khỏe. Bên trên tán lá tôi xịt phân bón lá thì bên dưới 1 tuần sau đó tôi sẽ dùng phân hữu cơ Amino (dạng phân nước đổ gốc) cho cây hồi phục rễ có kết hợp thuốc trị tuyến trùng, rệp sáp (dùng các chế phẩm Metharizum,… sinh học rất hiệu quả), nhà tôi hay sử dụng loại nấm này. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn và xem kỹ thành phần của phân Amino có kết hợp được với thuốc trị tuyến trùng, rệp sáp bạn đang dùng không.
Tuần tiếp theo tôi xịt phân bón lá có kết hợp thuốc ngăn ngừa rầy nâu, bọ trĩ, bọ cánh cứng cắn chích hút hoa và lá non.
Tuần tiếp theo nữa, khi cây đã nhú mắt cua và lá non tôi dùng phân hữu cơ sinh học NPK+TE chuyên dùng cho hồ tiêu. Lần này là lần làm bông chính, cây cần rất nhiều dinh dưỡng bao gồm các yếu tố đa, trung, vi lượng. Nhớ bón ngoài tán lá cây tránh không được phạm rễ. Nên bón vào sáng sớm hoặc chiều mát thì hiệu quả hấp thu sẽ cao hơn. Chỉ cần dùng tay rải đều một lớp mỏng vừa phải bên ngoài tán lá, cây to tán to thì bón nhiều, cây nhỏ tán nhỏ bón ít. Thường thì bón cách gốc từ 40-60cm tùy cây. Khá đơn giản phải không nào. Đừng quá quan tâm lượng phân bón mấy lạng mấy lạng như bao bì thường ghi. Và cũng không e ngại chuyện bón nhiều lần tốn công.
Cuối cùng sau đó 2 tuần bạn bỏ phân chuồng, phân hữu cơ hoai mục có ủ chung với nấm Trichoderma, bổ sung lượng xác bã hữu cơ cho cây trồng chống suy cây. Lần bón phân này rất quan trọng, bảo đảm dinh dưỡng cân đối, chống suy cây trong năm cho hồ tiêu. Lần này bà con có thể bỏ thêm vôi cho đất. Ngoài ra bà con mua phân hữu cơ vi sinh khoáng đậm đặc bỏ cho hồ tiêu. Nếu tìm không thấy thì mình có thể mua phân khoáng và tự ủ phân vi sinh để bỏ cho tiêu.
Bà con lưu ý một vài điểm nhỏ nhưng rất quan trọng trong kỹ thuật làm bông như sau:
Khi bông đang nở, tuyệt đối không được xịt phân bón lá. Như vậy sẽ làm cho bông trổ bị  thưa, bồ cào. Mặc dù có nhiều sản phẩm phân bón lá có ghi rõ là có thể xịt lúc trổ bông. Bà con làm như phần trên tôi hướng dẫn thì cây đã đầy đủ bao dinh dưỡng và cả yếu tố phòng dịch bệnh sâu hại tấn công rồi.
Trái với suy nghĩ của nhiều người là thời tiết khô ráo nắng nóng thì cây sẽ đậu bông tốt hơn. Đó là suy nghĩ sai lầm. Khi tiêu đang trổ bông cần làm cho độ ẩm không khí của vườn tăng lên bằng cách tưới gốc hoặc có thể dùng máy xịt vào không khí xung quanh cây tiêu. Tuyệt đối không xịt lên bông nhé. Vì đa phần hoa hồ tiêu là hoa lưỡng tính, chỉ có một số ít là hoa đơn tính. Hoa đơn tính nó sẽ tự rụng. Những giống tiêu có hoa đơn tính nhiều là do di truyền từ tổ tiên và một số cây tiêu hạt lại tổ… Khả năng đậu hạt của loại này rất thấp. Khi độ ẩm trong không khí tăng cao thì các đầu nhụy của hoa lưỡng tính cương lên dễ bám dính các hạt phấn, làm tăng khả năng thụ phấn. Vì vậy khi tiêu đang trổ bông 3 ngày bà con nên xịt hoặc tưới nước một lần. Thời gian trổ bông của hồ tiêu kéo dài từ 10-20 ngày. Đó chính là lý do tại sao những cây hồ tiêu trổ bông muộn như tiêu Sẻ, Sẻ Mỡ hay tiêu trổ đợt 2 thì hạt sẽ to và đều hạt hơn. Những giống trổ sớm như Ấn Độ thì hay bị bồ cào. Bà con nào trồng tiêu Ấn Độ đọc được những chia sẻ này sẽ biết cách làm cho tiêu năng suất và ít bị bồ cào hơn. Với giống tiêu Ấn Độ bà con phải nâng nhu cầu xác bả hữu cơ tăng lên 150% so với bình thường thì năng suất sẽ rất cao và ổn định mà không phải quan tâm nhiều tới việc phân hóa mầm hoa, vì nó rất nhiều hoa. Làm bông là cuộc chiến trường kỳ cho tới khi cây vào hạt. Nếu thiếu dinh dưỡng thì cây sẽ bị rụng trái non, thối trái non.
Xịt bón lá theo từng thời kỳ phát triển của hồ tiêu như sau: Khi đang nuôi hoa và lá non, xịt phân bón lá có hàm lượng N cao sau đó giảm dần. Khi vào hạt, nên kiếm loại phân bón lá nào có hàm lượng N ít, chủ yếu là P và K +TE để tránh không cho tiêu ra lá non. Đặc tính của cây hồ tiêu là khi đã ra lá non thì dù ít hay nhiều sẽ ra hoa. Mà những hoa ra trái vụ đó sẽ làm giảm năng suất cho vụ tiếp theo, thậm chí sẽ có một mùa mất trắng.
Khi chuẩn bị thu hoạch, nên bón phân Amino đổ gốc để to hạt chắc trái chống suy cây. Vì giai đoạn này bộ rễ đã hoạt động yếu, chỉ có phân dạng Amino thì cây trồng mới dễ hấp thu. Cây không suy thì mới cho năng suất cao và ổn định được. Rất quan trọng đấy.
Sau đó bà con bắt đầu lại chu trình chăm sóc. Năm trúng năm thất chỉ là cách nói của những ai chưa hiểu rõ đặc tính cây hồ tiêu thôi.
Trong quá trình chăm sóc, bà con hãy quan sát lá tiêu. Cây nhiễm bệnh gì, hay cần nhu cầu dinh dưỡng gì thì đều biểu hiện qua lá. Thiếu phân thì lá sẽ nhỏ lại. Thiếu vi lượng thì lá non nhỏ lại có màu trắng. Hay những biểu hiện bệnh thán thư, địa y, chết nhanh, chết chậm… thì lá cây sẽ biểu hiện đầu tiên. Bà con có kinh nghiệm thì sẽ kịp thời phòng bệnh hay bổ sung nhu cầu dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý nhất. (Tôi sẽ có bài viết về biểu hiện bệnh, cách chăm sóc hồ tiêu biểu hiện qua lá sau).
Bà con ai cũng biết là hồ tiêu là cây trồng rất mẫn cảm với bệnh dịch. Chăn nuôi gia cầm 1-2 ngàn con/lứa thì tổn thất, suy yếu 10-20 con là điều không thể tránh khỏi. Trồng hồ tiêu cũng vậy. Cây nào yếu mà chết là chuyện bình thường. Bà con phòng ngừa bệnh tật, ngăn chặn ổ dịch sau đó xử lý đất trồng mới lại. 
Với những điều tâm huyết chia sẻ trên đây, tôi mong là bà con sẽ luôn được mùa. Tất cả chúng ta sẽ thành công với cây hồ tiêu.
Chúc bà con sức khỏe!

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc (Phần IV: Tiêu già cỗi)


du-lich-phu-quocCó nhiều con đường để lựa chọn, nhưng tôi lại chọn con đường làm bạn với đất. Với nhiều bạn trẻ nó sẽ là mặc cảm. Một khi thấu hiểu cây cần gì, như thế nào mới là làm bạn với đất, làm thế nào để hiệu quả, mà bền vững. Khi đó tôi tin các bạn sẽ tự hào mình là một nông dân. Thành công luôn chờ đợi chúng ta.
 Phần IV: Tiêu già cỗi
Lúc này cây chỉ tập trung hoàn toàn vào sinh thực. Cây không phát lươn gốc. cũng không phát đọt non. Lá tiêu thường quăn lại, teo nhỏ như tiêu điên. Có cho chuỗi năng suất cũng rất thấp. Lúc này bà con nên tính tới đường thay thế vườn tiêu già cỗi.
Dấu hiệu cho ta biết tiêu cỗi ban đầu là 2 năm trúng 1 năm thất. Sau đó tăng dần lên 1 năm trúng 1 năm không có trái. Cuối cùng là cây trái rất ít, chuỗi ngắn ngủn, có khi không cho trái nữa.Với những cây tiêu này nó rất ít bị bệnh. Do mạch dẫn của nó chai lì như mạch gỗ, không có con gì muốn gặm. Chính bản thân ta cũng không muốn chăm sóc nó, ít chăm bón. Thế mà cây không hề bị chết nhanh gì cả?
Đa phần nguyên nhân cây chết là do tự bản thân ta. Vì quá chạy theo năng suất bón nhiều phân vô cơ, hóa học, lại lo bệnh này nọ… xịt vô số loại thuốc cho nó. Làm tổn hại đất, tổn hại cây. Đất pH quá thấp không còn phù hợp, cây kém phát triển.
Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày, nếu cây nào không có năng suất thì nên thay thế. Tiêu già cỗi, tiêu kém năng suất đều không có kinh tế. Đau đớn nhất chính là mình trồng trúng giống kém chất lượng.
Vì thế khi bắt đầu trồng tiêu bà con nên lựa chọn giống cẩn thận. Hiểu rõ đặc tính giống đó, thì chăm sóc hồ tiêu mới trãi nghiệm được cảm giác tiêu chết già là thế nào.
Tôi mong bà con mình trồng hồ tiêu thế này: Chỉ có mình cho phép thì nó mới được chết, nó chưa được phép của mình, thì nó không được chết. Tôi chỉ cho nó chết già, hoặc tôi không ưng ý nó là cho nó đi ngay từ ban đầu. Quan sát cây để phán đoán nên trị hay nên bỏ, sẽ giúp vườn sạch bệnh mà đỡ tốn kém.
Khi thay thế vườn tiêu đã canh tác già cỗi, quan trọng nhất vẫn là khâu xử lý đất. Việc trồng mới trên đất tái canh là rất khó khăn.
Tôi thường xử lý đất tái canh như sau: Tháo bỏ cây tiêu già cỗi xuống. Trụ chết thì đốt ngay tại chỗ, còn trụ sống kéo ra xa 1 chút, khoảng 0,5 m tránh cháy trụ.Việc đốt như thế giúp khử trùng nấm bệnh, ngoài ra lượng tro nó trả lại cho đất rất giàu Kali. Bao nhiêu năm lấy dinh dưỡng của đất, thì thân xác ấy giờ đây trả lại cho đất mẹ. Trở về với cát bụi, để chuẩn bị cho một cây mới sức sống mãnh liệt hơn.
Tiếp theo ta cần đào hố phơi ải. Đào như thế nào để qua tầng đất cỗi. Vùng đất đó bao nhiêu năm không được cày xới. Do nó chịu sức hút của lực hấp dẫn, các phần tử đất nhỏ sẽ lặn xuống khoảng 20-50 cm kết dính lại. Đất cứng như đất thép Củ Chi.
Ở vườn tiêu kinh doanh, đây chính là nguyên nhân làm tiêu bị úng nước chết mà ta không hề hay biết. Nhìn mưa xong thấy đất ráo nước, nhưng thực chất nước bị ứ lại ở tầng này. Với cây tiêu chỉ cần 24- 48 giờ úng nước là rễ có thể bị thối, lúc này nấm Fusarium, Phytopthora… tha hồ mà xâm nhập theo vết thương. Thời gian ủ bệnh 1-2 tháng sau đó phát bệnh ra lá cho ta thấy. Lúc này có chữa trị bằng nhiều cách cũng không hiệu quả, mọi thứ giờ đây đã là quá muộn.
Do đó hệ thống rút nước tốt là yếu tố rất quan trọng trong canh tác hồ tiêu. Có nhiều nhà vườn không đào hệ thống rút nước nhưng vẫn không hề bệnh tật, vì họ biết bảo vệ vi sinh vật có lợi làm đất thông thoáng.
Nếu hàng năm, bà con đào qua tầng khó rút nước này, dùng nhiều phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma để đất tơi xốp, thì vườn sẽ rất ít bệnh tật. Kỹ thuật này rất hữu ích.
Cây hồ tiêu là cây công nghiệp cần độ mùn hữu cơ rất dày. Khi đào hố phơi ải bà con xịt các loại thuốc gốc đồng để khử trùng đất. Sau 1 tháng kiểm tra độ pH bón vôi và phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Nhờ Trichoderma xử lý phần rễ còn lại nằm trong đất.
Phương pháp này áp dụng cho cây tiêu bị chết cũng rất hiệu quả.Với cây trụ sống hố trồng cách xa trụ ra 1 chút, khi trồng cho lên trụ giả, sau đó đôn vào. Lúc này tiêu chiết trồng cho những trụ sống to là rất hiệu nghiệm. Giống như ta hóa phép cho đất đang cỗi trở nên màu mỡ lại, cây tiêu già thành cây tiêu tơ.
Tôi rất ít khi trồng lại tiêu lươn trên nền đất cũ, hoặc tiêu ác trồng trực tiếp. Mà thường sử dụng tiêu chiết hoặc tiêu trồng qua mùa khô cho ra ác, sau đó chỉ việc lấy đi đôn. Do nền đất cũ tiêu con rất khó phát triển. Trụ sống quá to, bỏ thì thương mà vương phải biết cách. Nếu tiêu già cỗi mà còn phát lươn được, bà con không vội nhổ bỏ mà hãy kéo lươn đó lên trụ giả xa ra 1 chút. Sau đó lấp đất lấy bộ rễ, vắt ngược lại cây.
Nếu là giống tốt, áp dụng kỹ thuật bấm đọt cho nó ra lại. Còn giống không tốt, có thể tiến hành ghép. Dựa vào sự hỗ sinh của cây tiêu để áp dụng kỹ thuật khôi phục vườn tiêu già cỗi rất hiệu nghiệm. (tham khảo)
Kiến thức của tôi chỉ là hạt cát giữa đại dương mênh mông. Nhiều hạt cát của cộng đồng sẽ trở thành những bãi cát thơ mộng. Cho dù đại dương có mênh mông bao nhiêu, thì bờ biển cũng dài bấy nhiêu. Chẳng phải vũ trụ bao la kia cũng hình thành từ những phần tử nhỏ bé đấy sao?
Chúc bà con thành công!
Nguyễn Minh Vịnh 

Biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc (Phần III: Tiêu kinh doanh)

tieu-den-dai-dien1Bài viết của bạn Nguyễn Minh Vịnh ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai gửi đến khá dài nên chúng tôi chia ra làm nhiều phần để bà con dễ dàng tham khảo và đúc rút bài học kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc tiêu..
Phần III: Tiêu kinh doanh
Ở giai đoạn này cây tiêu rất dể nhiễm đủ thứ bệnh. Hầu như bệnh nào cũng có. Bệnh nào cũng biểu hiện ra thấy rõ. Để tôi nói hết về nó là cả một đề tài luận văn. Vì thế tôi chỉ chia sẻ những bệnh nguy hiểm nan y. Do nhiều như thế nên tôi chia ra các loại bệnh như sau: Các loại bệnh do nấm, bệnh do côn trùng chích hút cắn lá, bệnh về gốc rễ, dinh dưỡng và phân bón.
Bệnh do nấm
Ai trồng tiêu mà không sợ bệnh chết nhanh, chết chậm. Nói là chết nhanh chứ biểu hiện cũng rõ ràng cho ta nhận biết. Cách nhận biết như sau: Đầu tiên phải kiểm tra vùng đất canh tác của mình. Thấy có dấu hiệu nhơn nhớt và thúi đất sau một đợt mưa dầm. Vùng đất quá rợp, trũng thấp, đây là điều kiện cho nấm thủy sinh phát triển mạnh. Có bao giờ bà con dùng Trichoderma, hay gọt nấm rơm, nấm mối xong rửa tay chưa? Vùng đất nhơn nhớt đó nó cũng tựa tựa thế. Đây là đặc tính của nấm. Nếu không kịp khơi mương rãnh làm hố rút nước, thì vùng đó thế nào cũng bị đi vài bụi.
Bà con cũng có thể kiểm tra rằng vùng đất đó có nấm Phytophthora hay không bằng cách như sau: Lấy một ít đất vùng đó pha hòa với nước. Để lắng cặn, sau đó rót vào 1 ly nhựa sạch. Sau đó cắt 1 chiếc lá tiêu thành hình tròn gần bằng miệng ly. Để lên trên mặt nước. Nếu có nấm này thì lá tiêu sẽ bị nấm tấn công như thán thư. Bà con có thể thử với 1 ly nước sạch và 1 ly nước vùng tiêu bị chết rũ lá. Ngoài ra cánh một số loại hoa như hoa hồng cũng kiểm tra được. Nấm này nó sẽ làm mất màu hoa rất nhanh. Trồng tiêu nên dùng lá tiêu sẽ hay hơn. Khi nào quen thì việc kiểm tra đất của nhà mình là chuyện quá đơn giản. Nhanh chóng tiện lợi mà còn được uống nước mía nữa. Tôi thường uống nước mía sau đó tận dụng ly nhựa kiểm tra Phytopthora trong đất.
Biểu hiện thứ 2 là đọt lươn sẽ không phát, cùi đọt, rụng đốt. Khi thấy dấu hiệu này bà con nên lưu ý. Không phải tự nhiên cây bị thế đâu. Phạm rễ do phân bón, thối rễ ngập úng, sau đó nấm sẽ xâm nhập vào vết thương.
Bà con có bao giờ thấy mạch gỗ dẫn dinh dưỡng của cây hồ tiêu chưa? Tôi thì tò mò hay nghịch tìm hiểu. Tôi nhận thấy nó là những tấm lá mỏng như lá dừa, xếp chồng lên nhau xoay tròn thành hình trụ. Chia thành khoảng 10 búi như tép bưởi. Vì thế nấm xâm nhập vào làm tổn thương 1 phần là cây tiêu chết ngay. Nó không giống với mạch gỗ của cây. Đặc tính nó là dây leo thân thảo. Do đó bà con cần phải cho nấm có lợi phát triển trước, lúc nào cũng có lính canh có lợi lưu dẫn trong gốc rễ, thân cành lá… nó như là vácxin phòng ngừa vậy.
Ngoài ra bà con thấy với bệnh này nhiều khi vùng rễ vẫn khỏe mạnh. Nhưng phần tiếp giáp giữa mặt đất và cây tiêu. Phần cổ rễ tiêu hay bị thúi. Đó là do sự thẩm thấu, nguyên nhân độ ẩm vườn quá cao. Nấm thủy sinh phát triển thường thẩm thấu từ ngoài biểu bì, sau đó lưu dẫn vào trong thân. Gặp đặc tính mạch dẫn của cây tiêu như tôi mô tả bên trên. Cây tiêu ủ bệnh từ 1 tới 2 tháng sau đó sẽ chết mà ta không hề hay biết. Lúc biểu hiện thành bệnh, có chữa đủ thứ thuốc cũng đã quá muộn màng. Để ngăn ngừa loại này bà con cần quét boócdo cho gốc hoặc các loại thuốc gốc đồng như đồng đỏ… Lúc nào cũng có nấm đối kháng bảo vệ. Nước có tràn mang theo nấm hại xâm nhập vào vùng nhạy cảm này cũng đã được bảo vệ.
Với bệnh này nhiều người rất chủ quan. Nước tràn từ cây này sang cây khác sẽ lây lan ngay lập tức. Đất khó rút nước hoặc rút nước chậm gặp nước tràn coi như xong phim. Để phòng ngừa bà con cần tạo mương rãnh thoát nước tốt. Xem dự báo thời tiết. Trước và sau đợt mưa dầm xịt phòng ngừa. Trichoderma kết hợp phân bón lá định kỳ chính là biện pháp nhanh gọn nhẹ và rẻ tiền nhất. Một công đôi ba việc. Nếu xịt Trichoderma một mình sẽ không hiệu quả. Sử dụng biện pháp sinh học luôn đi kèm với nguồn nuôi mới đạt hiệu quả.
Hiện nay đã có giống tiêu ghép thủy sinh gốc trầu Nam Mỹ, hoặc trầu không (trầu ta) hoặc những giống tiêu như tiêu trâu… Cách ghép cũng rất đơn giản. Vùng đất nào quá trũng thấp, không có khả năng rút nước. Nhưng vẫn có ý định trồng tiêu thì nên xem xét trường hợp này. Khi ghép lưu ý nên chọn giống dể làm bông. Loại nào mà chịu úng tốt thì dĩ nhiên nó chịu hạn sẽ kém. Do đó sẽ không hãm nước làm bông được. (xem thêm kỹ thuật làm bông)
Khi ghép thì nên ghép ác. Hoặc áp dụng kỹ thuật bấm đọt tránh trường hợp tiêu ở truồng. Đã là tiêu ghép mà đôn thì ghép làm gì? Ngay vết ghép ở giai đoạn tiêu kinh doanh cần phải bảo vệ quét gốc như trên tôi chia sẻ. Bệnh này là bệnh nan y nếu phát hiện sớm như mô tả bên trên thì không phải là không thể chữa khỏi như mọi người nghĩ. Chỉ có điều bà con ta không biết được khi cây rũ lá tức là nó đã chết. Cách chữa tốt nhất ở giai đoạn này là cho nó làm bạn với lửa.Với thuốc hóa học áp dụng vào lúc dịch bùng phát. Sinh học không thể ngăn chặn được. Khi bà con dùng nó sẽ tiêu diệt tất cả các loại nấm, vi sinh vật. Cần lưu ý bổ sung lại nấm đối kháng và vi sinh vật có lợi phát triển trước.
Ở đây tôi ít đề cập tới thuốc hóa học, không phải là thuốc hóa học không thể chữa khỏi. Mà tôi muốn mọi người thay đổi tư duy canh tác. Lúc nào phòng bệnh cũng hơn chữa bệnh. Canh tác bền vững vẫn hơn là chữa cháy, canh tác theo phong trào.
Bà con có thể tham khảo thêm một vài nhóm hoạt chất, biết cách hấp thụ, tác động của thuốc phòng trừ nấm, để sử dụng một cách hiệu quả: hoạt chất Copper Hydroxide (thuốc gốc đồng), hoạt chất Fosetyl Aluminium, hoạt chất Metalaxyl, hoạt chất Phosphorous acid, hoạt chất Mancozeb… Đấy là một số hoạt chất thường gặp. Trên các bao bì của sản phẩm sẽ có ghi rất cụ thể chi tiết. Bà con vào Wikipedia tìm hiểu thêm. Rất bổ ích đấy.
Bệnh vàng lá chết chậm
Bệnh rụng lóng chết chậm do nấm Fusarium gây ra. Tôi có mô tả ở phần tiêu tơ. Tuy nhiên ở giai đoạn kinh doanh, biểu hiện bệnh sẽ rõ rệt hơn, quan sát ta có thể nhận diện ra ngay, không bị nhầm lẫn với các loại vàng lá do tuyến trùng hay rệp sáp. Cây sẽ rụng đốt, thối gốc, phần thân dây sẽ nám đen, đôi lúc có xì mủ, lá vàng rụng quan sát sẽ thấy có chấm đen li ti như rỉ sắt. Khi cây đã rụng lóng sẽ rất khó phục hồi. Mặc dù cây sẽ không chết ngay lập tức.
Nó thường xuất hiện đồng thời với bệnh rụng lóng tháo khớp do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Trong đó có một vài dòng vi khuẩn Pseudomonas gây hại cũng làm cây rụng lóng tháo khớp. Đọc tới phần này chắc không ít bạn trẻ thắc mắc. Tôi xin giải thích luôn là Pseudomonas có rất nhiều dòng. Chỉ có một số ít được ứng dụng cho nông nghiệp. Quan sát bệnh rụng lóng tháo khớp cũng rất dễ nhận diện. Đó là ngay các mắt tay ác, các khớp tay sẽ bị thâm đen. Còn lóng thì vẫn hơi xanh đôi lúc vàng vàng.
Các bệnh nấm lá dể nhận biết như: Thán thư, địa y, nấm hồng, rỉ sắt, đốm lá, nấm mạng nhện, nấm mắt cua,… Các loại nấm lá nói chung rất dễ nhận biết và cũng không phải nan y. Các loại thuốc đang bán ngoài thị trường phòng và trị rất hữu hiệu. Vì thế tôi sẽ không đề cập ở đây. Chỉ lưu ý với bà con là nên phòng bệnh lúc bệnh chớm xuất hiện. Chứ để nặng nó sẽ lây lan, trị bệnh rất tốn kém. Khi ngừa chỉ cần một lần nhưng khi trị bệnh bà con nên làm 2 lần cách nhau 15 ngày, nếu nặng có thể là 3 hoặc 4 lần cho tới khi khỏi hẳn. Xịt đúng nồng độ. Chỉ cần phun sương ướt đều 2 mặt lá. Muốn hiệu quả trong mùa mưa thì nên kết hợp chất bám dính sinh học. Chứ xịt nước chảy ròng ròng là không đúng qui cách. Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi phun thuốc quá liều. Bà con cần lưu ý.
Khi phòng trừ nấm, bà con hạn chế phối trộn thuốc. Chỉ phối trộn với những gì nhà sản xuất cho phép. Do nó rất dễ phản ứng hóa học. Mặt khác các hoạt chất tôi mô tả bên trên mỗi thứ có 1 công dụng khác nhau. Khi phối trộn cây bị tác động nhiều thứ một lúc sẽ bị sốc thuốc dẫn đến rụng lá.
Một đặc điểm nữa mà bà con không để ý, đó là trong nhiều sản phẩm có hoạt chất giống nhau. Khi phối trộn 2 đến 3 loại cùng một lúc nồng độ dung dịch sẽ tăng lên gấp bội. Như thế rất nguy hiểm. Để hạn chế vấn đề này, bà con có thể luân phiên bằng 2 loại khác nhau. Thời gian cách ly chính là thời gian có thể sử dụng thuốc khác. Có ghi rất rõ trên bao bì của nhà sản xuất.
 

Bệnh do côn trùng chích hút lá
Đây cũng là một loại bệnh rất đau đầu và gây tranh cãi. Ở đây cái khó không phải là cách phân biệt bệnh, nhận diện bệnh. Quan sát lá phồng rộp, côn trùng chích rụng bông, trứng rầy nhỏ li ti bóp rôm rốp, lá bị chích mất sắc tố, hay co nhúm lại, bọ cánh cứng ăn lá non, rầy nâu, sâu cuộn lá non, trứng rầy bám đọt non, rệp sáp lá, bọ trĩ, rệp muội, nhện đỏ, rầy nâu, bọ xít lưới chích rụng bông… Thấy ai mà không biết là do côn trùng sâu hại phá. Nhìn chung các loại côn trùng này đều trị như nhau. Điều gây tranh cãi ở đây là phương pháp điều trị hay phòng ngừa một cách hiệu quả. Việc đấu tranh gay gắt bảo vệ luận điểm của mình ở đây là dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học hay hóa học.
Bà con cần lưu ý một vài đặc điểm của loại bệnh này, tôi xin chia sẻ như sau: Dịch bệnh bùng phát vào giai đoạn cây nuôi lá non và hình thành hoa. Khi dùng thuốc BVTV dù là sinh học hay hóa học thì phải lưu ý thời tiết. Thời tiết mưa dầm xịt sẽ không hiệu quả. Nắng gắt làm cháy lá. Dùng thuốc quá liều rụng lá…Việc kết hợp thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Tốt nhất là kiểm tra hoạt chất mình sử dụng bằng từ điển cách khoa toàn thư mở online. Vòng đời của những loại sâu hại chích hút hoa và lá non rất ngắn. Chỉ khoảng 21 ngày. Do đó khi sử dụng nên dùng loại hiệu quả lâu dài. Dùng loại làm ung cả trứng, ức chế trứng không nở được càng tốt. Nó rất mau kháng thuốc, do đó nếu sử dụng thuốc BVTV hóa học thì phải dùng luân phiên. Để hiệu quả lâu dài nên ưu tiên dùng biện pháp sinh học. Nếu không có thì ưu tiên 2 là dùng loại hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ta diệt nó một cách khoa học như thế sẽ không ảnh hưởng tới môi trường và ngay chính bản thân ta.
Nhà tôi thì vẫn trồng lạc dại, giữ cỏ, trồng vạn thọ thu hút thiên địch… thêm trong mô hình. Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi dịch bùng phát vào thời điểm nhạy cảm. Bà mẹ tự nhiên rất vĩ đại. Nếu ta lạm dụng thuốc, khi kháng thuốc nó đẻ còn nhiều hơn gấp bội. Tôi đã có chia sẻ trong bài viết người trồng tiêu nghĩ về hành tinh xanh.
 Các bệnh về gốc rễ.
Ở sâu trong lòng đất bà con ta không thể biết được dưới đó đang có cái gì. Thứ gì đang diễn ra, tình trạng bộ rễ như thế nào?…
Nhưng ta có thể phán đoán được tình trạng sức khỏe của cây tiêu nhờ vào đặc tính lá. Cây tiêu khỏe mạnh nhìn giàn lá rất mướt mát. Cây hồ tiêu nó không biết nói dối. Cây bị tổn thương rễ vài hôm sau màu lá sẽ khác liền.
Các bệnh về gốc rễ toàn là bệnh làm đau đầu rất nhiều người trong đó có tôi. Bao đêm trăn trở cũng chỉ vì nó. Nào là tuyến trùng, rầy trắng, sùng, mối, nấm, úng nước, thối rễ, phạm rễ phân bón, dư axít, thừa – thiếu dinh dưỡng, dùng thuốc quá liều… Rất nhiều thứ mà mắt thường không thể thấy được. Chỉ cần bị một trong thứ tôi vừa liệt kê trên là cây tiêu có dấu hiệu liền. Bao nhiêu câu hỏi làm sao và bằng cách nào? Như tôi đã nói ở phần trên. Ta càng đơn giản hóa vấn đề phức tạp chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Mọi thứ đều bắt đầu từ cơ bản nhất. Ở đây tôi muốn nói đến đó chính là phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng. Phân sinh học, hữu cơ vi sinh. Đó chính là chìa khóa của mọi vấn đề. Nghe rất đơn giản nhưng áp dụng đúng sẽ cho ta một kết quả ngoài mong đợi.
Ta sử dụng nấm đối kháng và vi sinh vật có lợi như lính canh, (mắt thường không thấy được) chống lại những vị khách có hại không mời mà tới.
Cho các dòng nấm đối kháng nấm bệnh, vi sinh vật có lợi sử dụng lượng xác bã hữu cơ làm thức ăn, nơi ở. Sau đó chúng sẽ bảo vệ phòng chống nấm bệnh tấn công vào những vùng nhạy cảm.
Sau quá trình phân hủy, phân giải hữu cơ sẽ tạo thành phân Amino sinh học. Những hợp chất mà cây trồng dễ hấp thu.
Ngoài ra khi vi sinh vật hoạt động sẽ tạo độ phì nhiêu cho đất. Có lần tôi trồng lạc dại vào lúc trời mưa. Vì còn một ít nên ráng trồng luôn cho xong. Vô tình cuốc trúng hang trùn đất. Tôi thấy nước rút xuống hang mà như mình đào trúng mạch nước ngầm vậy. Một hố rút nước mini cục bộ không thể hoàn hảo hơn. Tất cả chỉ nhờ sử dụng phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng.
Nhiều người cũng sử dụng nhưng lại không hiệu quả. Là do bà con chưa hiểu được hết công dụng. Khi ủ phân cần đọc kỹ các dòng mình dùng để ủ có công dụng gì?
Có dòng ngừa tuyến trùng, có dòng ngừa rầy trắng, có dòng ngừa nấm, có dòng chỉ phân giải hữu cơ giải độc cho đất, lại có dòng phân giải lân chậm tan và cố định đạm cho đất…
Đa phần trong một gói Trichoderma sẽ có tích hợp nhiều dòng. Nhưng cũng có loại chuyên dùng cho một thứ gì đó. Vì thế cần lưu ý. Cứ định ninh rằng mình đã ngừa bệnh bằng sinh học rồi là chắc ăn. Nó chỉ hạn chế bệnh, giảm bệnh rất nhiều nhưng không phải hoàn toàn. Vì thế đừng vội trách oan là dùng không hiệu quả.
Chỉ cần bị một trong số các bệnh tôi liệt kê phần tôi mô tả bên trên, cây cũng có thể nhiễm bệnh.
Khi đã bùng phát bệnh ở mức đại trà, vì là đối kháng cho nên anh không bảo vệ được, thì tôi sẽ chiếm đóng. Lúc này các tác động hóa học rất cần thiết. (Ưu tiên gốc hữu cơ, thân thiện môi trường). Sau đó ta phải bổ sung lại nấm đối kháng, vi sinh vật có lợi, để tiếp tục bảo vệ cho cây trồng của mình.
Việc chẩn đoán đúng bệnh rất quan trọng. Các loại thuốc có rất nhiều trên thị trường. Loại nào cũng có công dụng riêng, ta dùng đúng thời điểm, đúng bệnh sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của thuốc. Về đề tài nhạy cảm này có lẽ bà con nên tìm hiểu thêm nhiều. Chỉ có một điều lưu ý là nên dùng đúng nồng độ chỉ dẫn của nhà sản xuất. Phối trộn thuốc nên thận trọng. Đây là con dao 2 lưỡi, người biết dùng thì không sao, nhưng đa phần bà con ta là nông dân thuần túy. Cho nên đó cũng là lý do diễn đàn luôn hướng bà con đi theo sinh học.
Dinh dưỡng và phân bón
Cây hồ tiêu rất cần cân đối dinh dưỡng
Khi ủ phân chuồng hoai mục, nhiệt độ trong đống phân sẽ tăng lên rất cao. Lúc này vi sinh vật có hại trong phân sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng ở nhiệt độ đó thì nấm có lợi, hay vi sinh vật có lợi cũng thất thoát không ít. Quá trình ủ hoàn tất phân chuồng, xác bã hữu cơ trở thành phân hữu cơ vi sinh. Ta bón cho cây muốn đạt hiệu quả cao cần phải bổ sung thêm nấm đối kháng lên phân vi sinh, ta bón cho cây lúc này tác dụng ngừa bệnh mới phát huy mức cao nhất. (xem thêm)
Việc trồng lạc dại, hay cây họ đậu phủ xanh đất, ngoài mục đích là chống rửa trôi xói mòn đất, giữ ẩm cho đất, cố định đạm cho đất. Trong gốc bà con phải cắt tỉa cho thật thông thoáng. Lượng cỏ đó bà con có thể tận dụng chăn nuôi gia súc, cắt ủ phân xanh. Cách ủ cũng vô cùng đơn giản. Sẽ có nhiều người phủ nhận tác dụng của việc giữ cỏ, trồng lạc… Nhưng với những người biết sử dụng nguồn phân xanh này như tôi chẳng hạn. Thì đây là một nguyên liệu cực kỳ quý. Trong số đó có lục bình, bèo dâu, rong biển, các cây họ đậu…
Tại sao tiêu tơ hay tiêu con nếu chăm đạt rất ít bệnh tật nhưng vào giai đoạn tiêu kinh doanh nó nhiễm đủ thứ bệnh? Có bao giờ bà con tự hỏi câu hỏi như thế không? Câu trả lời chỉ đơn giản là do ta sợ nó nhiễm bệnh. Nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hay bón phân không đúng cách làm ảnh hưởng tới cây trồng. Cây bị nhiễm bệnh thường do ta chăm sóc bón phân vô cơ không đúng cách, làm tổn thương rễ. Lúc này nấm bệnh, hay sâu hại bắt đầu theo vết thương xâm nhập, tấn công làm cây mình chết dần chết mòn. Tới một lúc nào đó bùng phát mà ta không hề hay biết. Đặc biệt vào thời điểm mưa dầm. Lúc đó có chữa đủ thứ thuốc cũng là quá muộn.
Khi xử lý thuốc hay nấm bệnh, thuốc BVTV, phân bón vô cơ hằng năm lượng thuốc đó đa phần là gốc axit. Chắc chắn sẽ làm chua đất, đất pH quá thấp cây sẽ mất đề kháng. Cây vàng mà cứ ngỡ là tuyến trùng, rầy trắng, nấm chết chậm… đổ đủ thứ thuốc. Càng đổ càng chết. Vì thế thường xuyên đo độ pH bón phân cân đối là việc vô cùng cần thiết.
Với đạm vô cơ. Nếu dư cây sẽ đề kháng rất yếu. Làm cây hay bị một số bệnh như: Thán thư, nấm lá, cháy lá, phồng rộp đặc biệt nấm Phytopthora phát triển rất mạnh nếu cây dư đạm. Do đó chính là nguồn nuôi của nó. Thiếu đạm cây sẽ thiếu sắc tố mất diệp lục, cây không phát triển được cành nhánh không phát lá và chuỗi tiêu ngắn ngủn…
Dư lân cây sẽ phát tay dài ngoằng nhưng rất yếu ớt. Ngài ra cây sẽ váng lá do thiếu kẽm và một số vi lượng khác. Thiếu lân cây sẽ không hấp thu được đạm.
Dư Kali cây sẽ cùi đọt, cành tay giòn, lá bị nhăn nheo như bị tiêu điên vậy. Cây sẽ thiếu Mg và làm dư axit. Cây sẽ vàng lá nếu ta không kịp thời hạ phèn cho đất. Thiếu Kali cây mất đề  kháng dể bị nấm bệnh tấn công…
Trung và vi lượng cũng rất quan trọng. Nó sẽ góp phần tạo đề kháng cho cây. Mỗi chất có một chức năng khác nhau. Để diễn tả về nó có lẽ một lời không nói hết. Bà con nên tìm hiểu thêm về nó. Đây chỉ là kiến thức phổ thông rất dể tìm.
Người ta vẫn thường đề cập tới việc bón phân cân đối. Nhưng đọc phần tôi viết nghe có mâu thuẫn lắm không? Làm thế nào để có thể bón đúng như cây đòi hỏi được? Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Là sự khác biệt giữa canh tác hữu cơ, vi sinh và vô cơ, hóa học. Với phân hữu cơ hay sinh học. Cây ăn không hết sẽ để dành khi nào cần ăn tiếp, do nó tác động chậm nhưng lâu dài. Còn phân hóa học thúc ép cây phải ăn ngay, còn có thể làm tổn thương rễ non nữa.
Mỗi lần bón phân là một lần ngừa bệnh. Như thế sẽ tốt hơn nhiều so với mỗi lần bón phân là một lần lo lắng. Tôi nói đơn giản thế chắc bà con biết phải làm thế nào đúng không?
Bà con tự sản xuất được phân sinh học từ trùn quế, hay cá. Ủ được phân xanh từ lạc dại ta tự trồng. Chỉ kết hợp vô cơ khi thực sự cần thiết, hoặc thay thế luôn bằng phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao. Thì vườn cây của mình sẽ rất đẹp. Khỏi phải bận tâm nhiều bệnh về phân bón, dinh dưỡng. Giảm chi phí đầu vào, lại tăng chất lượng nông sản. Để hàng Việt Nam luôn là hàng chất lượng cao, hướng tới thị trường khó tính hơn. (hết phần 3)