Kỷ Thuật Chăm Sóc Hồ Tiêu: HỒ TIÊU RỤNG GIÉ HÀNG LOẠT

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

HỒ TIÊU RỤNG GIÉ HÀNG LOẠT

Giai đoạn hiện nay vấn đề rụng gié hồ tiêu đang diễn ra trên diện rộng, để khắc phục tình trạng trên thì đầu tiên chúng ta cần xác định được nguyên nhân của nó. Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân về vấn đề này như sau:

1. Rụng gié do côn  trùng
Có 2 đối tượng côn trùng chính gây hại là bọ xít muỗi và rầy thánh giá (rầy thập tự, rầy chữ T). Hai đối tượng này khi gây hại sẽ gây nên 2 hiện tượng khác nhau:

a. Bọ xít muỗi

- Khi gây hại sẽ tạo ra nhiều đốm đen trên bề mặt lá và cuống gié, do mục đích của chúng là hút nhựa cây nên chúng gây hại ở phần non. Nếu nguyên nhân là do loài này thì thông thường cả lá non và gié đều rụng.
<Bọ xít muỗi gây hại>
b. Rầy thánh giá
- Khi gây hại, ấu trùng của chúng sẽ làm thối và rụng gié. Trên gié bị rụng xuất hiện hiện triệu chứng thối hoặc sũng nước. Quan sát trên gié có thể nhìn thấy ấu trùng. Khác với bọ xít muỗi, khi rầy thánh giá tấn công ít có vết đen trên lá và cuống gié.
<Ấu trùng rầy thánh giá gây hại>

c. Cách khắc phục
Nếu nguyên nhân do côn trùng chít hút thì khi xử lý đều như nhau:
- Cắt tỉa vườn thông thoáng (dọn sạch cỏ dại, tỉa cành cây trụ sống).
- Phun thuốc bảo vệ thực vật: Lưu ý nên phun mặt dưới lá và lúc chiều tối để ít ảnh hưởng đến hoa và tiêu diệt triệt để do các côn trùng chít hút này ưa bóng râm (Nên phun từ 16h chiều đến tối).
- Nên chọn các loại thuốc sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học để ít ảnh hưởng đến sự thụ phấn.

2. Rụng gié do sinh lý và dinh dưỡng
Sở dĩ tôi gộp chung hai nguyên nhân này với nhau vì cách khắc phục có ảnh hưởng qua lại và gần giống nhau. Đối với hai trường hợp này (do sinh lý và dinh dưỡng) sẽ không có biểu hiện gì trên gié bị rụng và cả lá non.


- Thông thường hồ tiêu sẽ diễn ra hiện tượng rụng sinh lý sau khi ra gié khoảng 2-4 tuần. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cây. Số lượng và tỷ lệ rụng tùy thuộc vào tình trạng của cây khi đó.
- Do cây không thể nuôi dưỡng toàn bộ nên việc giảm bớt số lượng là vấn đề tất yếu để cây có thể tập trung nuôi dưỡng một số lượng trái nhất định. Lúc này, cây sẽ tự tiết ra một số chất điều hòa sinh trưởng để tạo tầng rời ở cuống trái và trái sẽ rơi ra khỏi cây.
- Trường hợp do sinh lý như trên thì thông thường chỉ rụng ở những cây kém phát triển, rễ bị hư hại hoặc ra gié quá nhiều.
- Một nguyên nhân khác gây rụng là do dinh dưỡng không phù hợp. Ở giai đoạn này, thừa, thiếu hay mất cân bằng dinh dưỡng đều dẫn đến tác hại do làm thay đổi sinh lý của cây. Ví dụ: Việc cung cấp thừa đạm dẫn đến phát triển ngọn và cạnh tranh trực tiếp dinh dưỡng với trái, làm chất lượng trái giảm sút.

Cách khắc phục
- Tùy vào tình hình vườn mà có cách xử lý phù hợp do giai đoạn này hồ tiêu đang ra hoa thụ phấn nên việc phun xịt cần hạn chế để tránh làm ảnh hưởng đến hoa. Nếu vườn hồ tiêu của bạn trước khi ra hoa đã được bổ sung đầy đủ và cân đối phân bón (NPK và trung vi lượng) thì bạn nên quan tâm đến vấn đề sinh lý và ngược lại. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp bạn cũng nên bổ sung một số chế phẫm để phục hồi và hổ trợ bộ rễ hồ tiêu (Tôi thường dùng humic và Lân Đỏ của đơn vị uy tín).
- Nếu trước đó chưa bổ sung phân bón (Đặc biệt là NPK và Bo, Zn) thì nên bổ sung ngay .Sau khi tiêu đậu trái non nên bổ sung một lần nữa. Nếu tiêu đang thụ phấn thì không nên xịt phân bón lá.

3. Rụng do thời tiết
Một số người trồng cây thường ít chủ động tưới tiêu mà chờ nước từ mưa cung cấp cho cây, điều này có thể làm cây bị sốc do điều kiện thay đổi đột ngột. Những cây không có nước tưới hằng tuần bỗng nhiên tiếp nhận lượng nước lớn làm sinh lý cây thay đổi đột ngột, dẫn đến rụng gié non, trái non - phần dễ bị tác động nhất của cây.
Cách khắc phục: Lúc tiêu đang trong giai đoạn ra hoa cần chủ động tưới nước thường xuyên để hạn chế rụng và răng cưa, bồ cào. Cung cấp một ít kali trong trường hợp rụng hoa do nguyên nhân này.

4. Do bệnh thán thư

Tôi thấy rất ít gặp nguyên nhân này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét